Điểm tựa cho lao động đi làm việc ở nước ngoài
Tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định của sự thành công. Làm tốt công tác này sẽ giúp người lao động hiểu rõ về thị trường, các thủ tục pháp lý của nước tiếp nhận lao động.
Cùng đó, người lao động hiểu thêm quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ từ Quỹ cho người lao động, thân nhân của người lao động. Vì vậy, tuyên truyền được xem là giải pháp có vai trò quan trọng, cần đi trước trong hoạt động xuất khẩu lao động.

Chiếc “gậy” mang tên QĐ 40/2021/QĐ-TTg
Quyết định 40/2021/QĐ-TTg của Chính phủ có quy định hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị trong tuyên truyền thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, không phải hoạt động truyền thông nào cũng được hỗ trợ.
Theo Điều 20 của Quyết định 40 quy định các nguyên tắc hỗ trợ. Nội dung hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo hợp đồng quy định tại Quyết định này chỉ áp dụng trong trường hợp các hoạt động này không được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn tài chính của doanh nghiệp.
Còn tại Điều 21 thì quy định hình thức hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và thông tin thị trường lao động ngoài nước. Đầu tiên là hỗ trợ tổ chức thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động ngoài nước, chính sách, quy định, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ từ Quỹ cho người lao động, thân nhân của người lao động.
Hỗ trợ xây dựng và duy trì cổng thông tin điện tử của Quỹ, sàn giao dịch việc làm ngoài nước trực tuyến cho người lao động có nhu cầu tìm hiểu, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài và tìm kiếm việc làm sau khi về nước, thực hiện trực tuyến việc đóng góp Quỹ, đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.
Đồng thời, Quỹ sẽ hỗ trợ thiết lập và duy trì hoạt động của tổng đài điện thoại tư vấn cho người lao động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát hành ấn phẩm (bản giấy hoặc bản điện tử) cung cấp thông tin cần thiết của thị trường lao động ngoài nước cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ của đơn vị cung cấp dịch vụ.
Cơ quan điều hành Quỹ lập dự toán, thực hiện hỗ trợ các hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tuyên truyền “từ sớm, từ xa”
Quyết định 40/2021/QĐ-TTg được coi là chiếc gậy pháp lý quan trọng để giúp doanh nghiệp có thêm lực chuyển tải kịp thời thông tin đến người lao động. Nhưng, để giúp người lao động tiếp cận thông tin một cách đa dạng, bài bản, có hệ thống, thì công tác này phải được thực hiện “từ sớm, từ xa”.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) - Lê Nhật Tân cho biết, việc truyền thông, thông tin về các thị trường xuất khẩu lao động đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng, tạo nguồn lao động. Tuy nhiên, để người lao động tiếp cận thông tin nhanh – đúng – trúng thì việc tuyên truyền phải được thực hiện có chiến lược chứ không tuyên truyền theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. “Đường hướng là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng, đủ lực để làm truyền thông một cách bài bản. Tại LOD, chúng tôi phải truyền thông qua các trường, địa phương hoặc qua cộng tác viên... rất tốn kém và hiệu quả không cao…" - ông Tân nói.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Hoàng Hải - Bùi Văn Hoàng chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của ngành xuất khẩu lao động hiện nay là nguồn nhân lực vô cùng khan hiếm. Thêm vào đó, rất nhiều thông tin xấu trên mạng xã hội làm người lao động rơi vào cạm bẫy. Phương thức chủ yếu là đưa ra các thông tin gian dối, không đúng sự thật như sử dụng danh nghĩa đại diện pháp nhân thương mại của công ty ở nước ngoài hoặc một số công ty môi giới, xuất khẩu lao động ở Việt Nam; lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin, cũng như tâm lý chi phí giá rẻ để ký hợp đồng, chiếm đoạt tiền của người lao động. Nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo…
Theo các chuyên gia, ngoài việc truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của xuất khẩu lao động, nắm được thông tin việc làm cụ thể ở nước ngoài thì cần phối hợp với cơ quan Công an các tỉnh, thành nhằm tuyên truyền cảnh báo đến người dân và giúp họ nhận diện về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động. Người lao động nếu muốn ra nước ngoài làm việc, nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi làm hợp pháp.