Nhiều cơ hội việc làm cho lao động ngoài nước hết hạn hợp đồng trở về
Từ đầu năm 2022 tới nay, có hàng nghìn lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trở về được tái nhập thị trường lao động.

Cùng với đó, các chính sách chuyển đổi nghề cho đối tượng này cũng đang được cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả. Theo các chuyên gia, lao động trở về từ nước ngoài giống như một nguồn “tài nguyên” với kỹ năng nghề nghiệp bài bản, chuyên sâu. Và, tận dụng tốt nguồn nhân lực này sẽ là cơ sở để nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp. 

Nhiều cơ hội việc làm -0
Lao động đi làm việc ở nước ngoài - nguồn tài nguyên quý của Việt Nam. Nguồn: Báo Dân sinh

Chủ động kết nối, hỗ trợ chuyển đổi

Theo đại diện Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, trong số những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, có rất nhiều người bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lao động gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình.

Nắm bắt được nguyện vọng này, Quỹ đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu sau khi hồi hương cho lao động. Tại mỗi phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp đều tuyển dụng được hàng nghìn lao động có tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp bởi đã từng làm việc tại các môi trường kỷ luật cao. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro do tử vong, tai nạn lao động… thì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cũng hỗ trợ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

Cụ thể khi người lao động phải về nước trước hạn quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.

Đánh giá về quy định này, ông Ngô Bá Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Năm Châu cho rằng, khi đi làm việc ở nước ngoài không cứ người lao động mà các doanh nghiệp đều mong muốn người lao động có được công việc và thu nhập tốt. Song vẫn có những rủi ro không muốn muốn như: Phải về nước trước hạn vì đối tác phá sản, yếu tố sức khỏe, rủi ro do tai nạn lao động… Đây là điều không ai muốn, song khi xảy ra người lao động đều mong nhận được sự hỗ trợ tốt nhất để tìm kiếm công việc mới tại quê hương cũng như tìm kiếm cơ hội đi làm việc ở thị trường khác. Vì vậy, việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống là một chính sách rất cần thiết và có ý nghĩa với người lao động.

Nhiều cơ hội từ các doanh nghiệp FDI

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do chiến tranh giữa Nga và Ukraina và đại dịch Covid-19, làm cho số lượng lớn lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, trả tiền thuê nhà. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng buộc phải ở lại vì không có chuyến bay về nước, gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, cùng với công cụ pháp lý là Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai các biện pháp cụ thể giúp lao động được trở về nước và tiếp tục hòa nhập thị trường lao động trong nước. Mới đây nhất, Phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đi làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa ngày 17.11 đã thu hút gần 60 đơn vị tuyển dụng với nhiều chỉ tiêu việc làm hấp dẫn. Với tổng nhu cầu tuyển dụng là 4.235 chỉ tiêu. Trong tổng số 59 doanh nghiệp tham gia có 28 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất với 47,4%, còn lại thuộc lĩnh vực khác như thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin, may mặc…

Theo thống kê của Ban tổ chức, những lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia cho thấy việc khan hiếm lao động đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là các lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã có tay nghề trong sản xuất, có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và có tính kỷ luật trong công việc cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Trong năm 2021 và 2022, đã có 62 hội chợ và phiên giao dịch việc làm (GDVL) dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về và kết nối cung - cầu. Các hội chợ, phiên GDVL đã thu hút gần 1.500 lượt doanh nghiệp và hơn 6.500 lượt người lao động, kết nối việc làm thành công cho gần 3.100 người lao động. Ngoài ra, có gần 1.100 lượt người lao động phỏng vấn tìm việc tại 59 doanh nghiệp, gần 740 người lao động tìm được việc làm thông qua các phiên giao dịch...

Lượt xem: 1960